Dựa theo phương pháp của một số chuyên gia tâm lý, đây là 5 cách bạn có thể áp dụng để quan sát những chi tiết nhỏ tố cáo hành vi nói dối
Nói dối có nhiều thể loại. Có những lời nói dối vô hại nhằm để tâng bốc người nghe, xoa dịu nỗi đau kẻ khác, cứu vãn tình thế khó xử hay khỏa lấp sự bối rối. Tuy nhiên, có những hành động cố tình bẻ sai sự thật nhằm đạt mục tiêu không lành mạnh, và đây chính là kiểu lừa gạt chúng ta phải cẩn trọng. Tuy nhiên, làm sao để nhận biết bạn đang bị lừa gạt?
Đừng vội tin những “dẫn chứng” cho rằng ta có thể đọc được chủ đích lừa gạt qua biểu cảm không lời nói của đối phương. Những hành động như gãi đầu gãi tai, đảo mắt hay cựa quậy không hẳn là biểu hiện của nói dối, mà có thể chỉ đơn giản cho thấy đối phương đang bất an.
Nhìn chung, việc nói dối là một hành động khó thực hiện. Người đã có chủ đích muốn lừa gạt phải làm nhiều việc đồng thời:
– Phải chuẩn bị câu chuyện thật trơn tru từ đầu đến cuối. Một số chi tiết, sự kiện trong cốt truyện phải ăn khớp với các sự kiện ngoài đời để có bằng chứng xác thực.
– Phải thuộc nằm lòng câu chuyện để khi kể đi kể lại nhiều lần sẽ không bị lẫn lộn tình tiết.
– Phải nắm bắt thần thái đối phương, dò xét xem họ có tin vào lời nói của mình hay không.
– Phải diễn xuất, tạo cảm xúc sao cho phù hợp với nội dung câu chuyện được kể.
– Não bộ phải làm việc gấp đôi để đè nén sự thật trong khi đang kể truyện, tránh trường hợp bị buột miệng.
Có thể thấy người nói dối trơn tru phải có trí nhớ tốt, diễn xuất nhập vai và có bản lãnh để thuật lại truyện ảo tưởng không chớp mắt.
Kẻ nói dối là một diễn viên xuất thần
Như vậy, làm sao để nhìn thấu diễn xuất siêu việt này? Dựa theo phương pháp của một số chuyên gia tâm lý, đây là 5 cách bạn có thể áp dụng để quan sát những chi tiết nhỏ tố cáo hành vi nói dối:
1. Đổi trật tự của câu chuyện được kể.
Kẻ nói dối thường sẽ gặp khó khăn trong việc đảo lộn tình tiết họ đã dày công xây dựng.
2. Nhìn thẳng vào mắt đối phương.
Kẻ nói dối phải suy nghĩ cật lực hơn so với người ngay thẳng và vì lẽ đó có xu hướng nhìn chằm chằm vào một món đồ vật vô tri vô giác để tập trung cao độ. Việc nhìn thẳng vào mắt kẻ nói dối sẽ ngắt dòng suy nghĩ của họ, khiến cho họ ấp úng.
3. Đặt ra câu hỏi liên tiếp dưới nhiều hình thức về một vấn đề.
Kẻ nói dối thường tránh trả lời “Tôi không nhớ rõ…” vì điều này tạo cảm giác mập mờ hoặc lỗ hổng logic trong câu chuyện của họ. Ngược lại, họ thường đưa ra một khẳng định có vẻ đáng tin cậy. Khi bị hỏi những câu khó đoán trước, họ thường sẽ ứng biến bằng cách đưa ra những thông tin chưa hề được chuẩn bị. Khi bị hỏi đi hỏi lại, họ sẽ dễ đưa ra những thông tin mâu thuẫn, để lộ nhược điểm trong câu chuyện.
4. Đổi hướng tấn công.
Nhiều người sẽ nói dối để bảo vệ lòng tin của họ, và có thể đưa ra dẫn chứng hay lập luận rõ ràng nghiêng về phía niềm tin này. Nếu như họ phản khác những câu hỏi trước của bạn, có khả năng bạn đang làm tổn thương lòng tin của họ. Ngược lại, hãy đổi hướng và giả vờ đồng tình để được nghe suy nghĩ thật của họ. Ngoài ra, những kẻ nói dối thường đưa ra câu trả lời phức tạp hơn người nói thực.
5. Đặt câu hỏi mở.
Một câu hỏi mở đòi hỏi nhiều sự mô tả chi tiết. Kẻ nói dối luôn trả lời quanh co, tránh mô tả hiện thực hoặc tìm cách phản biện câu hỏi được đặt ra. Trong khi đó người nói thực sẽ đưa ra nhiều chi tiết cụ thể.
Theo: Bazaar
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét