Chăm sóc tóc hiện nay không chỉ dừng lại ở những sản phẩm cơ bản để
làm sạch, tạo kiểu hay nuôi dưỡng mà còn phản ánh những xu hướng và công
nghệ mới lạ. Những ai không làm quen với các sản phẩm mới này có thể
cảm thấy bối rối khi lạc vào “mê cung dưỡng tóc”. ELLE sẽ giúp các bạn
tìm hiểu về thị trường tưởng quen thuộc nhưng lại làm nhiều cô gái đau
đầu này, hy vọng bạn sẽ sớm có một “suối mơ” như ý.
1. Ảnh hưởng của xu hướng dưỡng da
Nếu như ngày xưa cụm từ “chống lão hóa” là độc quyền của các sản phẩm
dưỡng da thì ngày nay, vấn đề này cũng đang được các sản phẩm chăm sóc
tóc quan tâm. Các chiết xuất thảo dược và hoa quả có chứa nhiều chất
chống ôxy hóa như acai berry cũng dần dần có mặt ở dầu xả, dầu gội đầu
và các sản phẩm dưỡng tóc khác. Nếu như ngày xưa, chúng mang tính chất
tạo mùi và tạo màu thì ngày nay, các trích li này giúp tóc khỏe hơn và
cải thiện da đầu từ gốc tới ngọn.
Ngoài ra, khi các sản phẩm chăm sóc da trở nên đa dạng hơn và quy
trình dưỡng da trở nên phức tạp thì quy trình dưỡng tóc cũng có hướng
phát triển tương tự. Thời kỳ hưng thịnh của dầu gội và dầu xả 2-trong-1
đã chìm vào quá khứ. Thay vào đó là các sản phẩm khác như serum, dầu
dưỡng bóng tóc, thuốc xịt dưỡng và mặt nạ ủ tóc. Ngay cả với serum cũng
có nhiều loại với công dụng khác nhau như trị gàu, giúp chống rụng tóc,
giúp mọc tóc, dưỡng ẩm ban đêm, làm bóng tóc không bết dính… Đặc biệt,
các serum này có thể được dùng chung hoặc kết hợp với các sản phẩm tạo kiểu tóc khác như gel, mousse.
Nếu như ở lĩnh vực dưỡng da và trang điểm có BB và CC cream thì
ta cũng tìm thấy các sản phẩm dưỡng tóc có tên theo bảng chữ cái như
vậy. Keratin Perfect đã cho ra đời sản phẩm 3-in-1 Multi-Action Hair
Beauty Balm và Alterna, thương hiệu chăm sóc tóc yêu quý của Katie
Holmes, đã trình làng CC cream đầu tiên dành cho tóc là Caviar Clinical
Weekly Intensive Boosting Treatment. Đặc biệt là CC cream của Alterna
đang là một sản phẩm rất hot trên thị trường quốc tế và được nhiều báo
chí có tên tuổi trong làng thời trang ca ngợi.
Ngoài ra, những hóa chất thường được dùng để dưỡng da như glycolic
acid và keratin đã trở thành một phần không thể thiếu của các trị liệu
chăm sóc tóc tại salon. Glycolic acid được kết hợp với keratin thành một loại mặt nạ dành riêng cho tóc xù, giúp tóc trở nên suôn và
bóng hơn. Keratin đã trở nên quen thuộc hơn khi được kết hợp với thuốc
duỗi hoặc thuốc uốn tóc để giúp tóc khỏe đẹp hơn. Ngoài ra, nó cũng được
kết hợp trong dầu xả và kem ủ tóc để cho tóc không bị khô, gãy.
2. Chăm sóc da đầu
Khi bạn đi mua dầu gội đầu, có lẽ bạn sẽ thấy chúng được phân loại
theo loại tóc: tóc thường, tóc khô, tóc nhờn và tóc gàu. Tuy nhiên,
trong thời gian gần đây, các chuyên gia chăm sóc tóc nhận ra rằng cách
phân loại này mặc dù đúng nhưng chưa đủ. Một mái tóc khỏe mạnh phụ thuộc
vào da đầu rất nhiều.
Khi nghiên cứu đến rụng tóc, người ta thấy rằng ngoài nguyên nhân sức
khỏe và gàu, rụng tóc còn là hậu quả của ngứa da đầu. Từ đó, các chuyên
gia tóc đã dẫn đến một phân loại mới dựa trên da đầu và bao gồm da đầu
nhạy cảm, da đầu khô, nhờn và bị gàu. Clear, thương hiệu nổi tiếng thế
giới về các sản phẩm trị gàu, đã tung ra dòng sản phẩm Scalp & Hair
Therapy tại Hoa Kỳ bao gồm 11 sản phẩm tập trung vào các loại tóc và da
đầu khác nhau. Tùy vào loại tóc và tình trạng da đầu mà bạn có thể tìm
ra sản phẩm phù hợp cho bản thân mình.
Ngoài ra, xu hướng sử dụng các loại dầu gội đầu không chứa sulfate
(sulfate-free products) đang lan rộng trên thế giới. Đặc biệt tại Nhật
Bản, hầu hết các thương hiệu dầu gội đầu lớn nhỏ đều có những dòng sản
phẩm sulfate-free này. Sulfate là nhóm hóa chất tẩy rửa giúp tẩy đi các
chất nhờn trên da. Các sản phẩm chứa sulfate thường có khả năng tạo bọt rất tốt. Tuy nhiên, chúng có thể gây kích ứng trên da đầu.
Khi nói đến các sản phẩm sulfate-free tức là chúng không chứa 3 thành
phần sau: sodium laureth sulfate (SLES), sodium lauryl sulfate (SLS) và
ammonium laureth sulfate (ALS). Thay vào đó là những chất tẩy rửa nhẹ
nhàng hơn trên da đầu như sodium cocoamphoacetate, cocamidopropyl
betaine, lauryl glucoside, coco glucoside, disodium laureth
sulfosuccinate, disodium lauroamphodiacetate. Tuy nhiên, một con én
không làm nên mùa xuân. Những dầu gội đầu sulfate-free mới có công thức
là tập hợp của những chất tẩy rửa nhẹ này. Đôi khi, con số này lên đến 6
để có hiệu quả tương tự như một sản phẩm có chứa sulfate.
Dù sản phẩm có chứa hay không chứa sulfate đi chăng nữa, chúng cũng
đều làm khô tóc nhưng với mức độ khác nhau mà thôi. Để làm giảm đi điều
này, các sản phẩm chăm sóc tóc thường chứa những chất phụ gia như guar
hydroxypropyltrimonium chloride (một loại polymer), dimethicone (một
loại silicone), quaternium 15 hoặc 80 (hợp chất hữu cơ). Dimethicone
giúp cho tóc có độ bóng mượt và quaternium 80 giúp chống rối tóc. Tuy
nhiên, những chất phụ gia này không ít thì nhiều đều ảnh hưởng không tốt
đến sức khỏe của tóc. Dimethicone được xem là làm giảm độ đàn hồi của
tóc, dẫn đến việc tóc dễ gãy rụng sau một thời gian sử dụng. Quaternium
15 là một hóa chất bảo quản, có khả năng diệt nấm mốc cao bằng cách thải
ra formaldehyde (formol) rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Để thay thế những chất phụ gia này, các chuyên gia hóa mỹ phẩm đã sử
dụng những chất bảo quản ít nguy hiểm hơn và những sản phẩm trích li từ
thiên nhiên như tinh dầu và gel nha đam để giữ ẩm cho tóc. Những dòng
sản phẩm sulfate-free và có nguồn gốc thiên nhiên cũng xuất hiện nhiều
hơn tại Việt Nam. Ngoài các loại dầu gội của The Body Shop và dầu gội
dành cho tóc nhuộm Aromachologie Radiance And Color Care Shampoo của
L’Occitane còn có những sản phẩm của Nature’s Gate đến từ Hoa Kỳ không
chứa phthalates, parabens, sodium lauryl/laureth/coco sulfates. Ngoài
ra, hãng này cũng không thử nghiệm trên động vật cũng như sử dụng các
sản phẩm có nguồn gốc động vật.
3. Sản phẩm đa dụng
Một xu hướng mới của thị trường mỹ phẩm là mỹ phẩm đa dụng
(mixologiste). Các sản phẩm đa chức năng này giúp người dùng tiết kiệm
thời gian lẫn tiền bạc. Trong khi việc chế tạo ra các mỹ phẩm
mixologiste là tương đối dễ dàng thì việc chế tạo ra những sản phẩm này
dành cho tóc có vẻ khó khăn hơn. Hai hướng chính của các sản phẩm tóc đa
dụng là những sản phẩm không chứa nước và dầu thơm dưỡng tóc.
Sản phẩm không chứa nước: bao gồm các loại dầu gội không cần nước và
các loại dầu gội khô. Dầu gội không cần gội là những chai tạo bọt tựa
như mousse và chứa những chất tẩy rửa nhẹ, dầu thơm, những chất tạo mùi
và tinh dầu. Chỉ cần một lượng nhỏ dầu gội không chứa nước này là ta có
thể lấy đi bớt lớp dầu và mùi hôi bám trên tóc, tạo cảm giác tóc sạch
hơn. Loại dầu gội này giúp làm sạch tóc một cách tạm thời mà thôi. Nó có
thể kéo dài thời gian gội đầu thêm 1 ngày chứ không hoàn toàn thay thế
được dầu gội đầu. Đối với những người đi du lịch, những chai dầu gội
không cần gội này giúp ta cảm thấy sạch sẽ hơn khi đi tới những nơi gặp
khó khăn về nước sạch.
Dầu gội khô (dry shampoo) là một sản phẩm được ưa chuộng ở nước ngoài. Đối với những ai hay nhuộm tóc, việc gội đầu cũng đồng nghĩa với làm tóc phai màu nhanh hơn. Để kéo dài thời gian gội đầu, những cô gái thích nhuộm tóc cũng như những cô gái Pháp là “fan” của dầu gội khô. Chúng có thể ở dạng xịt với các loại chai tương tự như chai keo xịt tóc hoặc dạng bột như phấn rôm trẻ em.
Dù ở dạng xịt hay dạng bột, các loại dầu gội khô đều có chứa tinh bột để hấp thụ lượng dầu ở trên tóc. Tuy nhiên, khi sử dụng quá tay, ta sẽ thấy một lớp bột mịn trắng xóa trên tóc (việc này có thể được khắc phục bằng cách chải đầu thật kỹ). Khi sử dụng dầu gội khô, tóc sẽ tăng thêm độ phồng. Vì thế, đây là giải pháp được những cô gái có mái tóc mỏng ưa thích. Tuy nhiên, lạm dụng dầu gội khô sẽ dẫn đến tình trạng da đầu bị đóng cứng, dễ dẫn đến gàu và ngứa ngáy da đầu.
Gần đây, chuyên gia tạo mẫu tóc quốc tế Sally Hershberger đã chế tạo
sản phẩm 3-trong-1 Caffeine for Body Major Body 3-in-1 Volume Spray. Đây
được coi là sản phẩm đa dụng “đỉnh-của-đỉnh” với 3 mục
đích là dầu gội khô, tạo hình cho tóc và keo xịt tóc. Sản phẩm này giúp
tóc có độ phồng nhờ vào sự hiện diện của caffeine. Ngoài ra, xịt tóc này
không quá cứng, dễ dàng giúp tạo ra những kiểu tóc dợn sóng nàng tiên
cá đang rất nổi đình nổi đám trong thời gian gần đây.- Dầu thơm dưỡng tóc (hair fragrance): là một xu hướng được nhiều công ty mỹ phẩm theo đuổi. Đây là loại sản phẩm đa dụng hoàn hảo: không chỉ tạo hương thơm cho tóc, chúng còn có khả năng giữ ẩm, làm mượt tóc, chống ôxy hóa, chống phai màu tóc và chống lại tia UV. Các thương hiệu nước hoa từ Flowerbomb của Viktor & Rolf, Angel của Thierry Mugler, Parfum D’extase của Marchesa, đến nước hoa của Taylor Swift đều có sản phẩm hair fragrance cả. Dầu dưỡng tóc Mythic Oil nổi tiếng của L’Oréal Professionnel vốn có mùi hương rất nữ tính được nhiều người khen ngợi. Thật logic khi họ đã tung ra Mythic Oil Le Parfum để giúp bạn tạo mùi và restyle mái tóc một cách nhanh chóng. Khi sử dụng để sấy tóc và kết hợp với dầu Mythic Oil, Le Parfum sẽ làm tăng thêm mùi hương của dầu này. Với hair fragrance, chắc chắn mái tóc của bạn sẽ khỏe đẹp và gợi cảm hơn.
4. Sản phẩm chuyên nghiệp dành cho mọi người
Mức độ phát triển kinh tế chậm lại đang làm ảnh hưởng đến thói quen
làm đẹp tóc tại salon của rất nhiều chị em phụ nữ. Thay vì đến salon
thường xuyên để gội đầu, ủ tóc, hấp dầu và tận hưởng những sản phẩm
chuyên nghiệp, rất nhiều phụ nữ đã mua những sản phẩm chuyên nghiệp được
bán tại salon để sử dụng tại nhà. Một ví dụ điển hình là kem ủ tóc, vốn
là một sản phẩm dành riêng cho salon để sử dụng cho việc hấp dầu hoặc
làm mặt nạ ủ tóc. Thế nhưng, hiện nay, các thương hiệu chăm sóc tóc đều
có kem ủ hoặc mặt nạ ủ tóc với kết quả gần như tương đương với hấp dầu ở
tiệm.
Mặt nạ ủ tóc L’Oréal Professionnel Mythic Oil Nourishing Masque là
một sản phẩm xuất phát từ salon nhưng hiện nay đang được nhiều phụ nữ sử
dụng tại nhà. Với chất lượng của một sản phẩm chuyên nghiệp nhưng dễ sử
dụng, mặt nạ ủ tóc này đã được vinh danh là dầu xả tốt nhất trong khuôn
khổ giải thưởng quốc tế ELLE International Beauty Award 2014.
Ngoài ra, những dòng sản phẩm được gọi là “salon-type products” với
công thức tương tự các sản phẩm chuyên nghiệp cũng được nhiều người biết
đến. TRESemmé tại thị trường Âu-Mỹ và Syoss tại thị trường châu Á là
hai ví dụ điển hình. Những thương hiệu này thường cung cấp đầy đủ các
sản phẩm chăm sóc và tạo kiểu cho mọi loại tóc, đáp ứng mọi nhu cầu làm
đẹp nhưng có thể mua được dễ dàng ở siêu thị. Yếu tố dễ mua – dễ tìm
cũng như sự đa dạng và những chỉ dẫn rõ ràng khiến dòng hàng này được ưa
chuộng.
Thị trường thuốc nhuộm tóc là một thị trường lớn và quan trọng trên
thế giới vì khả năng đem lại lợi nhuận cao cho các hãng mỹ phẩm. Vì vậy,
việc tạo ra những bộ thuốc nhuộm tóc dễ sử dụng tại nhà và lên màu đẹp
luôn là tiêu chí quan trọng cho bộ phận nghiên cứu của các hãng mỹ phẩm.
Gần đây, các hộp thuốc nhuộm tóc đơn sắc không còn sức hấp dẫn đối với người sử dụng nữa. Thay vào đó, thuốc nhuộm tóc
tại nhà phải có khả năng tạo ra nhiều màu, cả low light lẫn highlight
sau khi nhuộm. Đây cũng là sự phản chiếu của cách nhuộm tóc tại những
salon nổi tiếng trên thế giới với nhận định rằng màu tóc chúng ta không
hoàn toàn đơn sắc mà là tập hợp của màu chính, màu đậm (low light) và
màu nhạt (highlight).
Ngoài ra, ta còn thấy sự xuất hiện của những bộ tạo kiểu tóc mang
tính chuyên nghiệp nhưng được thực hiện ở “salon tại gia”. Đó là những
hộp thuốc highlight với đủ màu sắc và dụng cụ để tạo những đường sắc độ
to, nhỏ. Đặc biệt, L’Oreal Paris Féria đã cho ra những hộp nhuộm tóc
ombré tại nhà. Đây là một sự liều lĩnh lớn vì việc nhuộm tóc ombré khá
phức tạp, ngay cả khi được thực hiện tại salon chuyên nghiệp vẫn có rủi
ro lớn trong việc tạo màu. Một hộp thuốc nhuộm tóc ombré tại nhà không
làm hư màu tóc thật sự là một thành tựu lớn của công nghệ tạo màu tóc
tại nhà.
Trong tương lai gần, thị trường sản phẩm chăm sóc và tạo kiểu tóc sẽ
có sự chuyển động tích cực. Điều này sẽ đem đến những sản phẩm mới đa
dạng hơn và an toàn hơn cho tóc. Hy vọng việc sở hữu mái tóc dày, bóng
mượt và chắc khỏe sẽ không là quá khó đối với phái đẹp.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét